Việt Nam cần sớm đổi mới mô hình, thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa, thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cung cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đề cập tại Hội thảo về Cấp nước và xử lý nước thải do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức vào ngày 25/11/2013 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo tập trung vào các vấn đề liên quan đến cung cấp nước, xử lý nước thải cũng như các vấn đề về cung cấp nguồn vốn cho lĩnh vực này.
Ông Joop Scheffers, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho biết: Sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực cấp thoát nước, xử lý nước thải hiện nay chưa bền vững, có nhiều sức ép rất lớn trong hệ thống cung cấp nước, xử lý nước thải, nhu cầu nguồn vốn lớn. Việt Nam cần phải có những giải pháp dài hạn trong 10-15 năm tới. Hà Lan có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và có thể chia sẻ với Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Hà Lan đã dựa vào các công ty tư nhân trong việc xử lý nước thải, cung cấp nước. Việt Nam cũng cần phải chuyển sang mô hình này, chuyển từ Nhà nước cấp vốn sang đầu tư của tư nhân.
Theo Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), trong những năm gần đây Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc cung cấp nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển ngành cấp, thoát nước và xử lý nước thải. Với tốc độ đô thị hóa rất nhanh, trải khắp trên đất nước, việc đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn vốn đầu tưcho lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải mới tập trung chủ yếu từ vốn ODA, ngân sách Nhà nước, sự tham gia của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực này còn rất hạn chế. Thêm vào đó, vấn đề nhận thức của người dân, của doanh nghiệp về lĩnh vực này còn yếu kém, chưa có thói quen trả tiền cho các dịch vụ và xử lý nước thải, cấp thoát nước. Các doanh nghiệp được giao cho quản lý, đầu tư quản lý các công trình cấp thoát nước, xử lý nước thải còn thiếu năng động trong công tác quản lý dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, công trình vận hành còn kém hiệu quả. Từ đó, dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước của Việt Nam hiện này còn khá cao với mức 27%, có nhiều địa phương lên đến 40%. Lượng nước thải đang ngày càng tăng lên nhưng lượng nước thải được xử lý mới ở mức dưới 10%.
Để giải quyết thực trạng trên, ông Nguyễn Tường Vân, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật cho biết, các cơ quan chức năng Việt Nam đang tập trung nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh tiến trình xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho ngành nước, nghiên cứu các mô hình, cách thức đầu tư khác nhau, thu hút nguồn vốn tư nhân nhằm thay thế nguồn vốn ODA, nguồn vốn Nhà nước; đổi mới tư duy tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp cùng chung tay giúp sức giải quyết các vấn đề xử lý nước thải, cấp thoát nước. Từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, ưu tiên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ xanh, tiên tiến, đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể như quản lý nguồn nước, quản lý nước thải bền vững, cung cấp dịch vụ nước cho công nghiệp hay dân dụng; tiến tới cải cách cơ bản hình thức sở hữu, đổi mới mô hình tổ chức hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp nước theo hướng chuyển dần dịch vụ từ cơ chế cấp vốn sang cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện các dịch vụ công ích, nhằm phát huy hơn nữa tính chủ động, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong các vấn đề về nước sinh hoạt và vệ môi trường ở Việt Nam cũng như các giải pháp về kỹ thuật, thu hút nguồn vốn phục vụ cho lĩnh vực. Đặc biệt nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh đến việc áp dụng mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải trong bối cảnh thực tế ở Việt Nam hiện nay. Theo ông Iain Menzies, Chuyên gia về nước và vệ sinh môi trường, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhiều khu vực trong lĩnh vực cấp nước và xử lý nước thải có tiềm năng thực hiện theo mô hình PPP, tuy nhiên vấn đề quan tâm hiện nay đối với Việt Nam là phương thức tài chính chưa thực sự bền vững. Cụ thể mức giá nước, chi phí vận hành, phí nước thải của Việt Nam hiện nay đang thấp hơn mức trung bình của thế giới rất nhiều lần. Do vậy, các công ty tư nhân sẽ không thấy sự hấp dẫn khi đầu tư vào lĩnh vực này.
(theo Bộ TN và MT)